Về bản chất, thuốc tránh thai đều hoạt động dựa trên việc tác động bằng hai loại hormone estrogen và progesterone để ngăn quá trình thụ tinh. Và nhờ sự phát triển của khoa học, phụ nữ có thêm nhiều lựa chọn với hình thức khác nhau để ngừa thai bằng can thiệp hormone mà không cần uống viên thuốc mỗi ngày.
1. Miếng dán tránh thai (contraceptive patch)
Nếu bạn hay quên thời gian uống thuốc tránh thai hàng ngày, miếng dán tránh thai sẽ là một biện pháp hợp lý hơn cho bạn.
Chỉ cần dán miếng dán tránh thai lên vùng da ở cánh tay hoặc bụng dưới, lưng. Bạn phải dán miếng dán trong 3 tuần, mỗi tuần thay miếng dán 1 lần và nghỉ vào tuần thứ 4 (tuần có kinh nguyệt) rồi lặp lại chu kỳ trên.
Tuy nhiên, bạn phải ghi nhớ thời gian thay miếng dán tránh thai mỗi tuần để đạt hiệu quả ngừa thai. Trong trường hợp bạn quên thay miếng dán, bị bong, hãy dán ngay lại hoặc dán lên một miếng mới, đồng thời sử dụng các biện pháp phòng tránh rào cản (bao cao su, bọt triệt tinh trùng) để tránh rủi ro không mong muốn.
Hiệu quả tránh thai: 99%
2. Vòng âm đạo (vaginal ring)
Cũng là một phương pháp can thiệp hormone để tránh thai, nhưng nếu miếng dán tránh thai được dán lên trên bề mặt da thì vòng âm đạo được đưa vào trong “cô bé”, tiết ra các hormone để ngăn chặn quá trình thụ thai. Vòng âm đạo phù hợp với những phụ nữ bị dị ứng với mủ cao su (latex).
Một vòng âm đạo hoạt động trong ba tuần, hết ba tuần, bạn lấy vòng âm đạo ra để có kinh nguyệt. Hết kỳ “đèn đỏ”, bạn lại đưa một chiếc vòng mới vào trong để tránh thai.
Cách sử dụng vòng âm đạo tương tự như cốc nguyệt san, nhưng đơn giản hơn nhiều. Để sử dụng vòng âm đạo, bạn nên đến gặp bác sĩ lấy đơn thuốc rồi mua ở hiệu thuốc uy tín.
Vòng âm đạo rất nhẹ và hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt tình dục. Nếu bạn phát hiện vòng tránh thai bị rơi ra ngoài, hãy đưa vòng vào lại ngay trong vòng 2-3 giờ. Khi thực hiện, bạn nhớ rửa sạch tay và rửa vòng với nước mát, hoặc hơi ấm (không dùng nước nóng).
Nếu không phát hiện vòng bị rơi trong vòng 3 giờ, bạn vẫn có thể đưa vòng vào lại trong âm đạo, nhưng nhớ phải sử dụng các biện pháp tránh thai khác kết hợp.
Vòng âm đạo là phương pháp tránh thai an toàn, hiệu quả cao. Bạn có thể có con ngay sau khi dừng phương pháp ngừa thai này.
Hiệu quả tránh thai: 99%
3. Thuốc tránh thai tiêm (contraceptive injection)
Tiêm thuốc tránh thai có thể giúp bạn tránh thai trong 3 tháng chỉ với một mũi tiêm duy nhất chứa hormone progestin, hoạt động giống hệt các phương pháp tránh thai bằng hormone khác.
Tuy nhiên, phương pháp này có tác dụng phụ khá nghiêm trọng do thay đổi nội tiết trong cơ thể như: kinh nguyệt ra nhiều, rong kinh trong 6-12 tháng đầu, tăng cân, chậm có thai sau khi dừng tiêm.
Hiệu quả tránh thai: 99%
4. Cấy thuốc tránh thai
Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất trong việc ngừa thai. Chỉ với một lần cấy thuốc, bạn có thể tránh thai trong 3 năm liền.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê lên vùng da, sau đó cấy một miếng plastic nhỏ chứa kích thích tố progesterone. Bạn cũng có thể đến bác sĩ lấy miếng plastic này sớm hơn thời gian 3 năm nếu muốn có thai hoặc thay đổi biện pháp phòng tránh.
Một số biến chứng hiếm gặp (1-2% trên tổng người sử dụng) như que cấy bị cong gây chảy máu, sưng tấy, que cấy di chuyển 1-2cm hoặc không thấy đâu nữa. Trong những trường đó, bạn nên đến ngay bác sĩ để có giải pháp kịp thời.
Ngoài ra, dùng phương pháp cấy thuốc tránh thai, bạn sẽ bị rong kinh trong tháng đầu, hãy cân nhắc kỹ tình trạng sức khoẻ nhé!
Hiệu quả tránh thai: 99,9%
5. Lưu ý khi sử dụng tránh thai bằng hormone
Các phương pháp can thiệp hormone này đều có nhược điểm tương tự như thuốc tránh thai dạng viên uống hàng ngày:
- Không phù hợp với người mắc bệnh tim mạch, bệnh nội tiết
- Không ngừa được các STIs lây qua quan hệ tình dục
- Gặp một số tác dụng phụ trong thời gian đầu sử dụng: đau đầu, buồn nôn, sụt/tăng cân,…
- Phải để ý hạn sử dụng của biện pháp phòng tránh để tránh có thai ngoài ý muốn
Bạn nên cân nhắc kỹ và nhận tư vấn của bác sĩ trước khi chọn lựa phương án tránh thai bằng hormone để hạn chế các rủi ro nhé!
Tham khảo: webmd.com, ividonor, mayoclinic
Hình ảnh: Pinterest
Xem thêm:
- Mọi điều bạn cần biết về chu kỳ kinh nguyệt
- Tránh thai bằng thuốc, tốt hay không?
- Quẹt Tinder, đừng quẹt luôn cả STIs