Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua khiến các hoạt động hiến máu tình nguyện phải tạm dừng. Lượng máu và các chế phẩm của máu phục vụ cấp cứu và điều trị ngày càng trở nên khan hiếm tại các cơ sở y tế tại Việt Nam, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh nhân, đặc biệt là những người cần máu cấp cứu như bệnh nhân ung thư máu, tai nạn giao thông, thiếu máu,…

Trước lời kêu gọi của các tổ chức y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong cộng đồng cũng không thiếu những trái tim đỏ sẵn sàng cống hiến những giọt máu đào cho xã hội, dù đang giữa mùa dịch trên toàn cầu.

Dưới đây Doctor Anywhere xin cung cấp một vài thông tin về tác dụng của việc hiến máu và những điều cần lưu ý trước và sau khi tham gia hiến máu.

Tác dụng của việc hiến máu

  • Được xét nghiệm nhóm máu và sàng lọc các bệnh truyền nhiễm thông thường miễn phí.
  • Giúp kích thích khả năng tạo máu: Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ hoạt động để bổ sung lại lượng máu đã mất. Việc này sẽ kích thích quá trình sản sinh các tế bào máu mới để luân phiên giúp duy trì cơ thể luôn khỏe mạnh.
  • Giúp đào thải sắt dự trữ và các chất oxy hóa: Khi đủ ngày, hồng cầu sẽ già hóa và bị tiêu hủy. Tuy nhiên thành phần sắt trong nhân hồng cầu lại được tái sử dụng để tổng hợp hồng cầu mới. Như vậy, lượng sắt trong cơ thể hầu như không bị hao hụt, trong khi cơ thể chúng ta vẫn thường xuyên được bổ sung chất sắt qua nguồn thức ăn. Hệ quả là nếu chu trình chuyển hóa không thuận lợi, sự ứ trệ chất sắt tại các nội tạng như tim, gan, phổi, thận,… sẽ gây ra bệnh lý. Khi đi hiến máu, một lượng chất sắt cũng sẽ được giải phóng giúp gián tiếp thải sắt, giảm nhẹ gánh nặng sắt tồn dư tại các cơ quan.
  • Đốt cháy calo: Mỗi lần hiến máu, cơ thể bạn sẽ tiêu tốn khoảng 650 – 700 kcal. Vì cân nặng của bạn có liên quan đến việc hấp thụ calo nên việc hiến máu có thể hỗ trợ bạn kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, thời gian hiến máu an toàn nhất là khoảng hai đến ba tháng một lần và không được nhiều hơn. Mức độ thường xuyên này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ hemoglobin và sắt trong máu của từng người.
  • Hiến máu không làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể: Trong máu ngoài các tế bào hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu còn có rất nhiều kháng thể. Tuy nhiên việc lấy máu không ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, vì cơ thể có thể tự sản sinh nhanh chóng các kháng thể khi cần.

Chuẩn bị trước khi hiến máu

  • Nên ăn nhẹ và uống nhiều nước có đường (bằng hoặc hơn lượng máu hiến) trước và sau hiến máu để ổn định tuần hoàn.
  • Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya và không uống rượu bia.

Sau khi hiến máu

  • Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể. Tuy nhiên trong thời gian này chỉ nên sinh hoạt nhẹ nhàng và nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường.
  • Tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng, đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao, không thức quá khuya, không uống rượu bia.

Tải ứng dụng Doctor Anywhere

Hướng dẫn sử dụng ứng dụng Doctor Anywhere


Xem thêm:

  • Hạ canxi máu là gì? Có chữa được không?
  • Màu sắc kinh nguyệt là lời cảnh báo tới sức khỏe của bạn